Phản tố là một trong những quyền cơ bản của bị đơn trong tố tụng dân sự. Bằng đơn phản tố của mình, bị đơn sẽ thực hiện quyền kiện ngược lại đối với bên nguyên đơn, mục đích của việc phản tố là để bù trừ hoặc loại trừ nghĩa vụ của bị đơn đối với yêu cầu của nguyên đơn. Chính vì vậy, việc xác định thời điểm cuối cùng, hay nói cách khác là thời hạn mà bị đơn có thể đưa ra yêu cầu phản tố là rất quan trọng.
Trước đây, Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2004 không có quy định về thời hạn đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn. Do vậy, ở thời điểm đó, phía bị đơn không có áp lực về thời hạn phải đưa ra yêu cầu phản tố của mình.
Nhằm hạn chế trường hợp bị đơn lợi dụng quyền phản tố để cố tình kéo dài việc giải quyết vụ án, gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng, Bộ luật TTDS năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011, đã quy định rõ về thời điểm bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố, cụ thể là: “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm”.
Hiện nay, Bộ luật TTDS năm 2015 một lần nữa rút ngắn thời hạn đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn. Theo đó Khoản 3 Điều 200 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định: “3. Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”.
Thực tế hiện nay cũng có nhiều quan điểm về thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn. Mặt khác, theo Bộ luật TTDS năm 2015 thì phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải có thể được mở nhiều lần chính vì vậy mà việc áp dụng quy định về thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố là chưa thống nhất.
Theo quan điểm của người viết, pháp luật đã minh thị rõ ràng bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Vì vậy, nếu bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố sau thời điểm này thì Tòa án hoàn toàn có quyền trả lại đơn yêu cầu phản tố, điều này là rất bất lợi cho bị đơn.
Do đó, trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, bị đơn cần cân nhắc để đưa ra yêu cầu phản tố trước khi tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải để chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.