Ngày nay, việc ghi âm trở nên rất dễ dàng vì ngoài các thiết bị ghi âm chuyên dụng, hầu hết các loại điện thoại cá nhân điều có chức năng ghi âm.
Trong dân sự, việc ghi âm lời nói ở các buổi giao dịch, buổi làm việc, trao đổi giữa các bên thường chứa đựng những tình tiết quan trọng. Khi xảy ra tranh chấp, nhiều khi giấy tờ không thể chứng minh được ai đúng ai sai; nhưng thông qua bản ghi âm có thể làm sáng tỏ được bản chất sự việc.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi trả lời cho 02 câu hỏi mà có lẽ sẽ có nhiều người thắc mắc. Một là bản ghi âm lời nói có là chứng cứ trong vụ án dân sự hay không và hai là điều kiện để bản ghi âm được công nhận là chứng cứ.
Bản ghi âm cũng là chứng cứ
Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.
Theo quy định tại Điều 94 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, nguồn chứng cứ gồm có “tài liệu nghe được”. Tài liệu nghe được ở đây chính là bản ghi âm (thu âm).
Thực tế, khi giải quyết các tranh chấp dân sự thì đường lối xét xử vẫn ưu tiên các chứng cứ dễ chứng minh là văn bản, tài liệu được công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại cũng đã có nhiều tranh chấp dân sự Tòa án đã chấp nhận chứng cứ nghe được, nhìn được làm cơ sở để giải quyết vụ án.
Điều kiện để bản ghi âm được xem là chứng cứ
Về nguyên tắc, đương sự có quyền tự thu thập và cung cấp chứng cứ cho Tòa án. Tòa án sẽ xem xét và quyết định giá trị pháp lý của chứng cứ dựa trên những điều kiện nhất định.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 95 BLTTDS 2015 và Điểm b Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP, điều kiện để bản ghi âm (thu âm, thu hình) được xem là chứng cứ khi nó được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
Ví dụ 1:
(Ví dụ này được đưa ra trong Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP về văn bản trình bày của người nộp bản ghi âm)
Ông A cho ông B vay 5 triệu đồng với thời hạn 12 tháng. Việc vay tài sản không lập thành hợp đồng, nhưng được ông A ghi âm lại toàn bộ nội dung thỏa thuận về việc vay tài sản, việc giao nhận tiền và thời điểm thanh toán nợ giữa ông A và ông B để làm bằng chứng cho việc vay tài sản của ông B.
Đến hạn trả nợ, ông B không trả số tiền đó cho ông A. Ông A khởi kiện ông B ra Toà án. Trong trường hợp này, cùng với việc giao nộp băng ghi âm, ông A phải gửi văn bản trình bày về sự việc liên quan tới việc thu âm đó.
Ví dụ 2:
Ngoài ra, văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm có thể ví dụ như Biên bản họp, Biên bản làm việc (có chữ ký các bên) cùng thời điểm ghi âm hoặc văn bản xác nhận các bên có gặp mặt, có lịch làm việc cùng nhau…
Nếu đương sự giao nộp bản ghi âm không đồng thời xuất trình được các văn bản trên thì tài liệu nghe được, nhìn được đó không được coi là chứng cứ, không có giá trị pháp lý. Khi đó, bản ghi âm chỉ được xem là tài liệu liên quan đến vụ án, có giá trị tham khảo chứ không thể có giá trị chứng minh trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án.
Trong thực tiễn xét xử, nếu các bên thừa nhận giọng nói trong bản ghi âm là của mình, thừa nhận nội dung trao đổi trong bản ghi âm là đúng sự thật thì Tòa án công nhận bản ghi âm là chứng cứ. Tuy nhiên, khi một bên cố tình không thừa nhận giọng nói của mình, hoặc không thừa nhận nội dung trao đổi thì phải tiến hành giám định.