Vụ án Cô giáo Lê Thị Dung: Bị cáo “thành khẩn khai báo” hay “khai báo trung thực”?

Vụ án Cô giáo Lê Thị Dung: Bị cáo “thành khẩn khai báo” hay “khai báo trung thực”?
Vụ án cô giáo Lê Thị Dung bị Tòa cấp phúc thẩm, TAND tỉnh Nghệ An tuyên sửa Bản án sơ thẩm từ hình phạt 5 năm từ xuống mức 15 tháng tù. Dư âm sau vụ án để lại nhiều tranh luận, trong đó có tranh luận về tội danh, về căn cứ chứng minh; có tranh luận về giới hạn xét xử, về việc áp dụng pháp luật…
Việc có nhiều quan điểm khác nhau về cùng một hành vi của bị cáo giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các luật sư, với các học giả, với các giảng viên thậm chính với chính nội bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng là điều không hiếm. Trong phạm vi bài viết này, tác giả không đề cập đến tội danh của bị cáo, đến phán quyết của Tòa án, đến quan điểm của luật sư; và đặc biệt, tác giả không phân tích nhằm quy kết cho hành vi của bị cáo có đủ hay không đủ cấu thành tội phạm; mà ở đây, tác giả muốn phân tích để làm rõ khái niệm trong thuật ngữ pháp lý mà Tòa án đã vận dụng vào trong hoạt động xét xử.
Theo thông tin từ báo chí, Tòa cho rằng bị cáo Dung đã thành khẩn khai báo toàn bộ hành vi của mình, nhưng do hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên bị cáo không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nên mới không nhận tội, do vậy bị cáo không bị mất đi tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội thành khẩn khai báo”. Từ nhận định này, Tòa án đã áp dụng điểm s, khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” để giảm nhẹ hình phát cho bị cáo. Chúng ta sẽ đi sâu phân tích tình tiết này.
Tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” bao gồm ba thành tố là: “Người phạm tội”, “thành khẩn khai báo” và “ ăn năn hối cải”. Bây giờ ta đi phân tích từng thành tố một.
Thứ nhất, phân tích về chủ thể “Người phạm tội”.
Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985, BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung (SĐBS) năm 2009, BLHS năm 2015 SĐBS năm 2017 đều không đưa ra một định nghĩa cụ thể thế nào là “người phạm tội” nhưng đều có chung khái niệm về tội phạm như sau: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện …mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.”
Như vậy, để cấu thành chủ thể “người phạm tội” thì buộc phải có hành vi nguy hiểm cho xã hội và hành vi đó phải do ngưòi hoặc pháp nhân thương mại có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện.
Qua phân tích như trên, ta đã giải quyết được chủ thể thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải chính là (và buộc phải chính là) “Người thực hiện hành vi phạm tội”.
Thứ hai, phân tích về tình tiết “thành khẩn khai báo”.
Theo từ điển Tiếng Việt của tác giả Nguyễn Như Ý thì: “thành khẩn” có nghĩa là hết sức thành thật với mong muốn được tiến bộ khi tự phê bình hoặc tiếp thu phê bình; “khai báo” có nghĩa là khai với nhà chức trách những việc có liên quan tới mình hoặc mình biết được.
Theo Từ điển Soha thì thành khẩn là: “hết sức thành thật trong khi khai báo, nhận lỗi hay tự phê bình và tiếp thu phê bình”.
Theo V.tudien thì thành khẩn là: “thành thật trong tự phê bình và tiếp thu phê bình, thành khẩn nhận khuyết điểm”.
Qua các khái niệm, định nghĩa trên, ta đúc rút lại thì: “thành khẩn” mang ý nghĩa là khai báo ra những gì mình “đã biết, đã làm” một cách “chân thật, trung thực” trong vai trò của một chủ thể đã thực hiện hành vi có lỗi (tội) và thừa nhận mình đã có lỗi (tội).
Mở rộng ra, ta đi phân tích thêm khái niệm về “trung thực”.
Trung thực có nghĩa là thẳng thắn và không nói dối. Người trung thực là một người luôn tôn trọng sự thật, nói đúng sự thật, nói đúng những gì mình biết, nói đúng những gì mình đã làm.
Như vậy, “thành khẩn” đã bao hàm cả “trung thực” còn “trung thực không bao gồm “thành khẩn” vì hai khái niệm này là do hai chủ thể khác nhau thực hiện. Với “trung thực” thì chủ thể là bất cứ ai, miễn họ nói ra tất cả những gì mình đã biết, mình đã làm. Ngược lại, “thành khẩn” thì chủ thể thực hiện buộc phải là người có lỗi (có tội). Vì lẽ đó, trong cuộc sống chúng ta không thể khen (bình phẩm) một ai đó rằng anh/chị ta rất thành khẩn; ngược lại, ta có quyền khen ai đó rằng họ rất trung thực. Như vậy, “thành khẩn” chỉ dùng để nói đến người có lỗi, có tội!
Qua các thông tin mà tác giả tiếp cận được từ báo chí thì bị cáo Dung đã khai báo đúng sự thực những gì mình đã biết, đã làm nhưng không thừa nhận đó là hành vi phạm tội vì vậy bị cáo không phải là “Người phạm tội”. Và vì vậy, như đã phân tích ở trên, chủ thể chỉ được xem là “thành khẩn khai báo” khi chủ thể đó là “Người phạm tội” và người phạm tội đó nhận thức được lỗi (tội) của mình và khai báo một cách trung thực. Với tình tiết đã diễn ra tại phiên Tòa thì bị cáo Dung (có chăng) mới chỉ được xem là “khai báo trung thực” chứ không phải là “thành khẩn khai báo”.
Kết luận: Từ các căn cứ như đã phân tích ở trên, chủ thể thực hiện hành vi thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải phải là “Người phạm tội”. Diễn biến của vụ án từ giai đoạn khởi tố, truy tố rồi xét xử thì bị cáo Dung luôn cho rằng mình bị oan, mình không phạm tội do đó tình tiết giảm nhẹ này không thể áp dụng cho bị cáo. Điểm s, khoản 1, Điều 51 BLHS 2015, SĐBS 2017 quy định chỉ dành cho “Người phạm tội”, và chỉ khi người phạm tội “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” thì mới được hưởng tình tiết giảm nhẹ này. Ở vụ án này, chỉ có thể xem bị cáo Dung là “người khai báo trung thực” chứ không phải “người phạm tội thành khẩn khai báo”. Vì vậy, như đã phân tích ở trên, chỉ có “Người phạm tội” và thừa nhận hành vi phạm tội của mình đồng thời khai báo trung thực thì mới được xem là “thành khẩn khai báo”. Tòa án đã “quên” mất thành tố “Người phạm tội” đóng vai trò chủ ngữ trong câu “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”.
Về quy định “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” là một hay hai tình tiết được giảm nhẹ.
Nếu Tòa án đã cố ý “gọt chân cho vừa giầy” để áp dụng pháp luật một cách khiên cưỡng rằng bị cáo Dung “thành khẩn khai báo” nên đủ căn cứ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” thì cũng chưa đáp ứng đầy đủ nội hàm như chủ ý của Nhà làm luật. Để được hưởng tình tiết giảm nhẹ này thì buộc người phạm tội phải có đủ hai yếu tố là “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải”. Trong khi đó bị cáo Dung hoàn toàn không hề “ăn năn hối cải”.
Có một số quan niệm cho rằng chỉ cần một “vế” của tình tiết là đã mang đủ bản chất của toàn bộ quy định này vì “ăn năn hối cải” là ngoại diên của “thành khẩn khai báo” hay nói cách khác, “thành khẩn khai báo” cũng chính là nội hàm của “ăn năn hối cải” do vậy, có cái này nghĩa là cũng là có cái kia vì khi một người có thái độ thành khẩn thì họ phải có sự suy nghĩ, đánh giá, nhận thức rõ lỗi lầm của mình để có thể khai báo được một cách trung thực sự việc đã xảy ra. Sự suy nghĩ, đánh giá, nhận thức này chính là một biểu hiện của sự ăn năn, nếu họ không ăn năn về lỗi lầm của mình thì không thể có thái độ thành khẩn được. Tác giả cho rằng, nhận thức như vậy là hoàn toàn sai lầm. Ta đi phân tích quan điểm này như sau:
BLHS 1985 tại Điều 38 quy định” Người phạm tội tự thú, thật thà khai báo, ăn năn hối cải hoặc tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện và điều tra tội phạm”.
BLHS năm 1999 quy định tình tiết giảm nhẹ tại điểm p, khoản 1, Điều 46 “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”.
BLHS 2015 tại điểm s, khoản 1 Điều 51 quy định “Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải;”. (bỏ đi dấu phẩy mà thay bằng chữ “hoặc” giữa hai cụm từ “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải”.
BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 tại điểm s, khoản 1, Điều 51 quy định “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;”.(bỏ đi chữ “hoặc” và thay bằng dấu phẩy giữa hai cụm từ “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải”.
Việc Nhà làm luật thay đi thay lại chữ “hoặc” và dấu “,” không phải là điều ngẫu nhiên mà là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, thảo luận, tranh luận. Qua điều này đủ để chúng ta hiểu tầm quan trọng của văn phạm trong việc lập pháp. BLHS 2015 đã được ban hành nhưng chưa kịp thi hành thì đã phải sửa đổi nội dung và dời ngày có hiệu lực cho tới 01/01/2018. Nói điều này để thấy rằng những tranh cãi, những nhận thức khác nhau về pháp luật của mỗi cơ quan, mỗi cá nhân từ lúc soạn thảo cho tới lúc thi hành là điều không ít gặp.
Bây giờ,ta phân tích làm rõ hai khái niệm “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải”.
– Theo Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của TANDTC thì “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” được hiểu là trường hợp người phạm tội thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối lỗi về việc mình đã gây ra.
– Theo “Sổ tay Thẩm phán” của Tòa án tối cao xuất bản năm 2009 thì:
1.Thành khẩn khai báo là trường hợp người phạm tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã khai đầy đủ và đúng sự thật tất cả những gì liên quan đến hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện.
2. Ăn năn hối cải là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm, người phạm tội thể hiện sự cắn rứt, dày vò lương tâm về tội lỗi của mình không chỉ bằng lời nói mà còn phải bằng những hành động, việc làm cụ thể để chứng minh cho việc mình muốn sửa chữa, cải tạo thành người tốt; bù đắp những tổn thất, thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra.
Qua dẫn chứng về hai khái niệm như trên, ta nhận thấy rõ rằng đây là hai tình tiết riêng biệt và có thể có, có thể không có quan hệ biên chứng với nhau. Việc hai tình tiết này có quan hệ tương hỗ với nhau hay không là do chủ thể phạm tội quyết định qua hành vi, thái độ khai báo chứ không mặc nhiên hiện hữu ở nội hàm của quy định này.
Cụ thể là bị cáo có thể “thành khẩn khai báo” nhưng lại chưa chắc đã “ăn năn hối cải”, ngược lại, một bị cáo có thể “ăn năn hối cải” nhưng chưa chắc đã thành khẩn khai báo. Có những bị cáo nhận thức rất rõ về hành vi phạm tội của mình, khai báo tất cả những gì bị cáo đã nghĩ, đã biết, đã thực hiện và thừa nhận việc mình làm là phạm tội nhưng lại không tỏ ra hối hận, ăn năn, cắn dứt … mà thậm chì còn mãn nguyện, còn kiêu hãnh với việc mình đã làm vì đã “trả thù được” đối phương.
Một ví dụ điển hình đó là vụ án giết người đã được TAND tỉnh Phú Yên đã đưa ra xét xử ngày 12/08/2022 và tuyên án tử hình đối với bị cáo Đoàn Minh Hải. Trong vụ án này, vì lý do gia đình bên vợ cản trở việc thăm con của bị cáo nên bị cáo đã giết ba người nhà vợ cũ. Trong quá trình điều tra, xét xử, bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi của mình một cách trung thực, rành mạch; lời khai hoàn toàn phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Tuy nhiên, trước Tòa, bị cáo dõng dạc tuyên bố không hối hận về hành vi phạm tội của mình, nếu có hối hận là hối hận vì chưa giết thêm được thêm người nhà bên phía bị hại. Qua thái độ này thì rõ ràng là không thể kết luận bị cáo đã khai báo thành khẩn và ăn năn hối cải. Do đó một người rất thành khẩn khai báo không đồng nghĩa bao hàm rằng họ cũng ăn năn hối cải.
Trường hợp khác, có bị cáo thể hiện rất ăn năn hối cải luôn “tỏ ra” thành khẩn khai báo và nhận tội nhưng thực tế bị cáo đang cố tình khai báo hoàn toàn khác với ý thức và diễn biến hành vi lúc bị cáo thực hiện tội phạm. Chẳng hạn trong vụ án cố ý gây thương tích, do mâu thuẫn cá nhân nên Chân và Thuận muốn đánh trả thù bị hại Khang, hai bị cáo mang theo kiếm Nhật bỏ vào cốp xe máy, bàn nhau tới nhà bị hại để “xin Khang một cánh tay”. Chân chở Thuận tới nhà Khang, tới nơi, Chân bảo Thuận đứng ngoài đợi để Chân lẻn vào nhà Khang thăm dò xem Khang có nhà hay không rồi sẽ xử lý. Chân trèo qua cổng rào vào nhà Khang, đúng lúc này Khang thấy bóng người rồi la lên, nghe vậy Chân vớ ngay cây cọc sắt có sẵn ở vườn lao vào đánh vào đầu Khang. Nghe tiếng Khang la, cả gia đình Khang ùa ra thì Chân nhảy ra xe của Thuận và cả hai lên xe bỏ chạy về nhà, cất giấu vũ khí. Thuận được đưa đi giám định thương tích với tỷ lệ 13%. Sau đó cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại vụ án “cố ý gây thương tích”. Lời khai của Chân và Thuận rằng chỉ muốn tìm Khang để dàn hòa mâu thuẫn chứ không cố ý gây thương tích, tuy nhiên trong lúc bị Khang phát hiện và la hét nên bị cáo hoảng hốt vớ đại cây sắt có sẵn rồi quơ trúng vào đầu Khang. Trong quá trình giải quyết vụ án, Chân, Thuận đã chủ động chi trả chi phí điều trị cho bị hại, xin lỗi bị hại. Tại phiên Tòa, Chân, Thuận luôn tỏ ra ăn năn hối cải, cắn dứt lương tâm và hoàn toàn thành khẩn khai nhận tội đúng như Bản cáo trạng của Viện kiểm sát.
Từ tình huống trên ta thấy rằng, việc “ăn năn hối cải của bị cáo” không thể hiện việc “thành khẩn khai báo” vì mục đích của các bị cáo là sẽ “xin Khang một cánh tay” và đã chuẩn bị cây kiếm kiểu Nhật (là một loại vũ khi thô sơ) để thực hiện nhưng hậu quả xảy ra nằm ngoài mong muốn của bị cáo. Thực tế, nếu hậu quả mà bị cáo mong muốn gây ra cho bị hại nếu đạt được thì tỷ lệ thương tích của Khang lên tới trên 61% ( nếu bị mất một cánh tay- theo Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế) và sẽ bị truy tố ở khung hình phạt nặng hơn. Việc bị cáo chỉ bị khởi tố theo khoản 1 Điều 134 BLHS 2015 làm bị cáo thấy “may mắn” vì không những đã che giấu được mục đích phạm tội ban đầu mà còn che giấu được cả hành vi “tàng trữ, sử dụng vụ khí”.
Qua tình huống trên ta thấy rằng mặc dù bị cáo tỏ ra rất ăn năn hối cải nhưng không thành khẩn khai báo. Và đó là một minh chứng để kết luận rằng một người “ăn năn hối cải” không bao hàm họ cũng “thành khẩn khai báo”.
Như vậy, để được áp dụng tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” thì người phạm tội phải đáp ứng đủ hai tình tiết là “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải”. Nhận thức như vậy là hoàn toàn phù hợp với tư duy của Nhà làm luật khi họ đã thay dấu “,” cho liên từ “hoặc” để nối hai cụm từ “thành khẩn khai báo” và “ ăn năn hối cải”.
Cũng cần lưu ý, đây là hai “vế” cấu thành nên một “tình tiết” chứ không phải là hai tình tiết quy định riêng biệt ở những điểm, những khoản khác nhau của Điều luật. Qua thực tế xét xử đã có Tòa án vận dụng sai, cho rằng đây là hai tình tiết khác nhau nên khi bị cáo “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” Tòa đã nhận định bị báo có hai tình tiết giảm nhẹ nên đã áp dụng Điều 54, tuyên phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Từ những phân tích như trên, ta có thể thấy “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải” là hai tình tiết riêng biệt tách rời nhau và có thể có hoặc không có liên quan đến nhau.
Việc BLHS năm 2015 khi sửa đổi năm 2017 đã không dùng liên từ “hoặc” mà dùng dấu “,” giữa hai cụm từ “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải” đã cho thấy Nhà làm luật không tách rời độc lập hai tình tiết này mà muốn nhấn mạnh người phạm tội chỉ có thể được hưởng tình tiết này khi thỏa mãn đồng thời cả “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải”.
Luật sư – Thạc sĩ Lê Hồng Quang
Nhận thực hiện các dịch vụ pháp lý: Bào chữa, bảo vệ cho thân chủ tại Phiên tòa , Đại diện tham gia giải quyết tranh chấp đất đai, chia thừa kế, chia tài sản. Tư vấn đầu tư, định cư… Tel/Zalo: 0909.6464.82

Leave Comments

0909.6464.82
0909646482