Yêu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì dĩ nhiên là không có hợp đồng nhưng khi tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì bà con hoàn toàn có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường. Thời hiệu khởi kiện là 3 năm kể từ ngày biết được các lợi ích của mình bị xâm phạm.
Các hành vi xâm phạm này bà con có thể tố giác tội phạm ra công an, nếu có yếu tố hình sự thì Cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án để điều tra, sau đó Tòa án sẽ xét xử và các bồi thường sẽ được Tòa án xem xét cùng với việc xét xử người phạm tội. Nếu không không có dấu hiệu phạm tội thì bà con khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bồi thường.
Trường hợp các hành vi không phải do con người gây ra mà do tài sản gây ra thì chủ tài sản gây ra thiệt hại cho người khác phải bồi thường. Chẳng hạn như súc vật, cây cối gây tai nạn thì chủ sở hữu phải bồi thường. Cần lưu ý là nếu tài sản đã chuyển giao cho người khác quản lý sử dụng thì người đang quản lý sử dụng phải bồi thường. Chẳng hạn xe ô tô đã cho người khác thuê rồi người đó gây tai nạn thì người thuê xe đó phải bồi thường. Lưu ý là nếu chủ xe ô tô chỉ thuê người lái xe và trả lương cho họ thì khi lái xe gây thiệt hại cho người khác thì chủ sở hữu ô tô vẫn phải bồi thường chứ không phải là lái xe bồi thường.
Sau đây, luật sư Quang sẽ trình bày chi tiết các trường hợp bồi thường
- Bồi thường thiệt hại về tài sản: Khi tài sản bị mất mát, hư hỏng thì phải bồi thường thiệt hại thực tế xảy ra và những lợi ích đáng lẽ sẽ thu được nếu tài sản đó không bị xâm phạm, đồng thời phải bồi thường cả chi phí để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại.
Chẳng hạn khi xe ô tô dùng kinh doanh chở khách mà bị gây hư hỏng thì chủ sở hữu sẽ được bồi thường các chi phí để sửa chữa, các khoản thu nhập bị mất trong thời gian sửa xe và khoản thu nhập bị mất vì lý do xe sau khi sửa chữa thì chất lượng, hình thức bị xuống cấp do đó khách hàng cũ không còn thuê mướn nữa.
- Bồi thường khi sức khỏe bị xâm phạm – Nghĩa là khi cơ thể chúng ta bị gây thương tích thì chúng ta có quyền yêu cầu bồi thường các khoản gồm:
– Các chi phí cho việc cứu chữa.
– Các khoản thu nhập bị mất, bị giảm do phải chữa trị hoặc do ảnh hưởng của thương tích.
– Nếu phải có người chăm sóc khi chữa trị thì cũng sẽ được bồi thường chi phí trả cho người chăm sóc .
Ngoài ra còn được bồi thường tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường này do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì sẽ do Tòa án quyết định với mức tối đa không quá 50 lần mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở hiện tại là 1.800.000 đồng- nghĩa là không quá 90 triệu.
Lưu ý, mức tối đa bồi thường tổn thất về tinh thần do Tòa án quyết định nếu các bên không thỏa thuận được. Ngược lại, nếu các bên thỏa thuận được thì mức bồi thường có thể chỉ là 1 đồng hoặc vài tỉ đồng thì đều được Pháp luật thừa nhận.
Trong quá trình giải quyết các vụ án bồi thường thiệt hại này, luật sư Quang thấy nhiều người vì không hiểu biết, cũng không có luật sư cho nên còn nhầm lẫn giữa thỏa thuận bồi thường tổn thất về tinh thần với các thiệt hại khác như về chi phí chữa chạy, về mất thu nhập, về giảm thu nhập… do đó họ chỉ thỏa thuận nhận 1 khoản tiền bồi thường chung cho tất cả các thiệt hại nên rất thiệt thòi mà họ không biết.
- Bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm– Nghĩa là người bị xâm hại bị chết.
Khi người bị xâm hại bị chết thì người thừa kế theo hàng thứ nhất của họ có quyền yêu cầu bồi thường các khoản sau:
– Bồi thường về chi phí cứu chữa, thu nhập bị mất của người bị chết, thu nhập bị mất của người chăm sóc trong thời gian điều trị, chi phí mai táng, chi phí cấp dưỡng cho người mà người bị chết đang cấp dưỡng.
– Ngoài ra còn được bồi thường tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường này do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì sẽ do Tòa án quyết định với mức tối đa không quá 100 lần mức lương cơ sở. – nghĩa là không quá 180 triệu.
- Bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín:
Danh dự là sự tôn trọng của xã hội, của người khác dành cho mình. Nhân phẩm là phẩm chất, là giá trị của mình. Uy tín là khả năng gây ảnh hưởng, tác động đến người khác của mình. Danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm là các trường hợp như bị người khác chụp lén, cắt ghép hình ảnh đưa lên mạng làm mình mất danh dự; bị người khác vu khống ngoại tình, ăn vụng, trộm cắp…vv làm cho mình bị mất phẩm giá dẫn đến bị người khác coi thường; bị nói xấu,bị tạo các chứng cứ giả làm cho người khác không tin vào mình nữa.
Các thiệt hại được bồi thường khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm gồm:
1 . Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại bao gồm: Chi phí cần thiết cho việc thu hồi, xóa bỏ vật phẩm, hình ảnh, dữ liệu có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị thiệt hại; các chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; tiền tàu, xe đi lại để yêu cầu cơ quan chức năng xác minh sự việc…vv
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được xác định như sau:
Là những khoản thu nhập bị mất, bị giảm sút so với lúc chưa bị xâm phạm. Ví dụ, một cửa hàng thời trang, mỹ phẩm đang kinh doanh rất tốt nhưng bị người khác xâm phạm dẫn đến mất uy tín nên không bán được hàng.
- Ngoài ra còn được bồi thường tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường này do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì sẽ do Tòa án quyết định với mức tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở – nghĩa là không quá 18 triệu.
Điều quan trọng để yêu cầu bồi thường thiệt hại là phải có các chứng cứ chứng minh cho việc thiệt hại. Thiệt hại về tài sản thì còn dễ chứng minh, thiệt hại về về sức khỏe, về tính mạng thì hơi khó chứng chứng minh, còn thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín là rất khó chứng minh.
Lưu ý là nếu bên bị thiệt hại phát hiện ra thiệt hại đang xảy ra nhưng không có biện pháp để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại mà cứ để cho nó xảy ra thì xem như bên bị thiệt hại cũng có lỗi và sẽ không được bồi thường phần thiệt hại lẽ ra có thể ngăn chặn này.
Cuối cùng, luật sư Quang khuyến cáo bà con: Khi bị một người xúc phạm về danh dự, nhân phẩm, uy tín thì đừng vội cay cú tìm cách trả đũa để rồi vô tình mình đang là người bị xúc phạm lại trở thành người phạm tội vì xúc phạm, vu khống người khác giống như trường hợp về hai người phụ nữ nổi tiếng mạng xã hội vừa qua. Cũng chỉ vì cay cú nhau, nói qua nói lại rồi cuối cùng cả hai đều phải vào tù. Do đó, khi tài sản, sức khỏe, tính mạng bị thiệt hại hoặc khi bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín thì bà con hãy tìm đến luật sư để được tư vấn.